Làm gì để hạn chế cứng khớp?

Tại sao bị cứng khớp?

Để vận động thoải mái và dễ dàng, ở đầu mỗi khớp xương luôn được bảo vệ vững chắc bởi một lớp sụn và luôn được cung cấp đủ dịch nhầy giúp bôi trơn khớp và chống xóc. Nhờ cơ chế này mà việc thay đổi tư thế hoặc quá trình vận động của con người mới có thể nhịp nhàng, linh hoạt. Tuy nhiên, khi “khớp bị khô”, sẽ có hiện tượng cứng khớp, các khớp khi đó sẽ bị đau khi vận động hoặc phát ra tiếng “lạo xạo” ,“lục cục”. Đôi khi, chúng chỉ biểu hiện đơn độc, nhưng cũng có thể kèm theo các chứng sưng, nóng, đau, đỏ, thậm chí còn làm hạn chế vận động. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, đi cùng với dấu hiệu cứng khớp là tình trạng sụn khớp bị hư tổn, bào mòn dần. Có đến 90% số người ở tuổi từ trên 35 đã bắt đầu cảm nhận những thay đổi này vì sụn khớp “xuống cấp”. Khi đó, bề mặt sụn dần trở nên xù xì, bắt đầu mòn đi, nứt vỡ, khiến hai đầu xương mất đi lớp đệm có tác dụng giảm lực và ma sát nên cọ vào nhau gây đau đớn kéo dài cùng nhiều hậu quả nghiêm trọng khác như xương mọc gai, biến dạng khớp, cứng khớp nặng. Để xảy ra hậu quả đó là do sử dụng khớp “quá tải”, chơi thể thao quá sức, ngồi một chỗ quá lâu…, khiến sụn nhanh thoái hóa.

cung khop90% số người ở tuổi từ trên 35 đã bắt đầu cảm nhận sụn khớp “xuống cấp”

Cứng khớp thường xảy ra vào buổi sáng, có trường hợp kéo dài cả tiếng đồng hồ, đó là triệu chứng điển hình của viêm khớp dạng thấp và cả của thoái hóa khớp mạn tính. Ở những người bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, tự tấn công, chống lại các tế bào và các cơ quan của chính cơ thể mình, dẫn tới các biểu hiện của bệnh, trong đó có các tổ chức của khớp (bao hoạt dịch, gân, dây chằng, sụn khớp, tổ chức dưới sụn khớp…).

Cứng khớp xảy ra sau mỗi sáng thức dậy hay khi ở lâu một tư thế (nằm lâu, ngồi, đứng…) là dấu hiệu thường gặp ở người có tuổi, cảnh báo sụn khớp đang bị hư tổn. Vì vậy, cứng khớp buổi sáng là do hầu hết NCT, người bị thoái hóa khớp nằm suốt đêm, sáng dậy các khớp, dây chằng…đang bị co cứng do nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản là thiếu máu đến nuôi dưỡng gây nên cứng khớp.

Ở bệnh nhân xương khớp, dấu hiệu cứng khớp buổi sáng hay khi ngồi lâu chiếm đến 90%. Hiện tượng cứng khớp buổi sáng nếu kéo dài trên một giờ gặp chủ yếu ở bệnh viêm khớp dạng thấp, nếu cứng khớp kéo dài ít hơn nhưng có biểu hiện tăng nặng dần có thể là dấu hiệu của thoái hóa khớp kèm viêm bao hoạt dịch khớp và sụn khớp, tổ chức dưới sụn bị tổn thương, hư hỏng. Nếu cứng khớp do viêm khớp dạng thấp, người bệnh thường có mệt mỏi, gầy sút, ăn, ngủ kém, da và niêm mạc xanh nhạt, đồng thời xuất hiện hạt dưới da ở trên xương trụ (gần khớp khuỷu), trên xương chày (gần khớp gối) hoặc quanh các khớp cổ tay. Hạt có đường kính từ 5 - 15mm nổi lên mặt da, chắc, không đau, không di động. Một số người bị viêm khớp dạng thấp có rối loạn dinh dưỡng và rối loạn vận mạch gây hoại tử vô khuẩn. Hoặc có kèm theo viêm gân, bao gân quanh khớp hoặc dây chằng khớp bị giãn, khớp bị lỏng lẻo dễ trật khớp khi tác động ngoại lực (vấp, ngã…) hoặc làm cho bao khớp phình ra thành kén hoạt dịch. Viêm khớp dạng thấp khi đến giai đoạn cứng khớp nếu giảm vận động sẽ dẫn đến teo cơ liên cốt, teo cơ đùi, cơ cẳng chân ảnh hưởng lớn đến đi lại, vận động.

cung khopĐi cùng với dấu hiệu cứng khớp là tình trạng sụn khớp bị hư tổn, bào mòn dần

Triệu chứng cứng khớp do viêm khớp dạng thấp hay do thoái góa khớp thường diễn tiến từ từ trong vài tuần đến vài tháng, sau đó chuyển sang giai đoạn cứng khớp nặng kèm đau nhức và có thể có tiếng khớp kêu lạo xạo (khô khớp) khi vận động, cử động khớp. Theo Cục Kiểm soát Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC), 80% số bệnh nhân xương khớp có biểu hiện hạn chế cử động, đơ cứng khớp - dấu hiệu sớm của tàn phế khớp nếu không điều trị kịp thời. Hiệp hội Lão khoa Mỹ cũng cảnh báo, 64% số người bị cứng khớp có nguy cơ gánh chịu hậu quả nặng hơn, thậm chí bị tàn phế trong tương lai.

Nên làm gì để hạn chế cứng khớp?Khi bị cứng khớp, người bệnh cần bĩnh tĩnh, không nên nóng vội, không quá lo lắng. Vì vậy, người bệnh không nên cố gắng cử động mà cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng các khớp bị cứng giúp máu lưu thông để cơ, dây chằng… giãn dần, nhất là khớp gối, khớp cổ chân, bàn chân. Có thể dùng các loại dầu làm nóng, vừa thoa dầu vừa xoa bóp kéo dài khoảng 10 - 20 phút.

cung khopNếu đã biết nguyên nhân cứng khớp, cần điều trị nguyên nhân theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình. Tuyệt đối không nghe lời mách bảo của người không có chuyên môn về y học và không dùng đơn thuốc của người khác để mua thuốc cho mình. Nếu chưa biết nguyên nhân tại sao bị cứng khớp cần đi khám bệnh ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa khớp hoặc nội tổng quát.Ngoài ra, nên có chế độ vận động cơ thể theo chỉ dẫn của bác sĩ khám bệnh cho mình, nhất là các trường hợp thoái hóa khớp biến dạng, mọc gai (ví dụ: gai mâm chày khớp gối…). Trước khi tập thể dục, thể thao, người bệnh nên xoa bóp các cơ khớp, khởi động nhẹ nhàng cơ thể để máu lưu thông. Không nên nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, nên luyện tập thể thao tăng dần từ nhẹ đến nặng, không tập những động tác khó, quá sức mình. Những môn thể thao có lợi cho xương khớp là đi bộ, đi xe đạp, bơi lội rất có ích cho sự mềm dẻo, linh hoạt của khớp. Bên cạnh đó, nên có chế độ ăn, uống hợp lý.

PGS.TS.BS. BÙI KHẮC HẬU

Giảm cân, đẹp da nhờ bí đao

Bí đao - quả ngon, thuốc quý

Thành phần chủ yếu của bí đao là nước, nhiều chất xơ, không chứa lipid. Cứ 100g bí đao có 0,4g protid, 2,4g glucid, 19mg canxi, 12mg phosphor, 0,3mg sắt, nhiều loại vitamin (A, B1, B2, B3, B9, C, E... và khoáng chất như kali, phosphor, magie...). Do hàm lượng dinh dưỡng thấp, cung cấp ít năng lượng, giàu chất xơ và yếu tố vi lượng, nên bí đao trở thành loại thực phẩm giúp bạn có làn da sáng mịn mà lại giảm cân vô cùng hiệu quả. Nếu tích cực ăn bí đao hàng ngày theo thực đơn giảm cân cùng với chế độ luyện tập tích cực, bạn có thể giảm tới 3kg trong vòng 1 tháng mà da vẫn tươi nhuận.

bi-dao-dep-da-giam-can

Cách giảm cân và đẹp da với bí đao

Với cách giảm cân bằng bí đao, bạn vẫn có thể ăn sáng và ăn trưa như bình thường với những món ăn yêu thích. Tuy nhiên, lý tưởng nhất vẫn là việc lựa chọn thực đơn cân bằng, giàu rau xanh và trái cây để tăng cường vitamin và chất xơ, giúp tăng cường trao đổi chất và đốt cháy năng lượng dư thừa. Riêng với bữa chiều, trước 7 giờ tối, bạn sẽ sử dụng bí đao hoàn toàn thay cơm. Bạn có thể ăn bí đao luộc, bí đao hấp cùng uống nước luộc bí đao hay có thể chế biến một số món khác từ bí để thay đổi khẩu vị như món canh bí đao nấu gừng: nấu cả vỏ và hạt bí đao cùng một chút gừng tươi, trần bì, gia vị vừa ăn hoặc bí đao nấu canh tôm, bí đao xào tỏi (với thật ít dầu). Ban đầu, khi chưa quen, bạn có thể ăn bí đao như một món chính trong bữa cùng cơm, canh... Sau đó, khi đã quen, bạn hãy dần dần ăn bí đao thay cơm hoàn toàn để việc giảm cân thực sự hiệu quả. Nước ép bí đao cũng là nguyên liệu làm đẹp da và giảm mỡ bụng một cách tự nhiên. Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch rồi thái miếng, cho vào máy ép lấy nước. Hòa thêm chút muối và đường rồi khuấy đều, có thể bảo quản trong tủ lạnh, chia ra uống vài lần trong ngày như nước giải khát để vừa có làn da trắng mịn màng lại vẫn có thể giảm cân hiệu quả.

Lưu ý: Ăn bí đao tuy được coi là thực phẩm lành mạnh nhưng nên xen kẽ việc ăn bí đao với các loại rau củ khác để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe. Một tuần bạn chỉ cần ăn 3 - 4 bữa bí đao thay cơm vào buổi tối là đủ. Mỗi lần ăn như vậy, bạn chỉ nên ăn tối đa 500g bí đao luộc và 1 lít nước luộc. Nếu vẫn còn đói, bạn có thể ăn thêm hoa quả, rau xanh khác.

Những người bị huyết áp thấp không nên giảm cân bằng bí đao vì bí đao rất ít calo, 100g bí mới có 15calo nên sẽ dễ làm hạ huyết áp của bạn. Do vậy, nếu bạn bị huyết áp thấp muốn giảm cân thì hãy ăn uống như bình thường vào bữa tối và chỉ coi bí đao như một loại rau mà thôi.

An Ngọc Hoa

(Theo Women’s Health)

Những bệnh có thể chữa được bằng tế bào gốc

Liệu pháp tế bào gốc mặc dù khá mới nhưng đã được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiều bệnh. Dưới đây là danh sách các bệnh chữa được bằng tế bào gốc.

U não

Trong nghiên cứu đột phá này, các nhà khoa học đã “bẫy” virút herpes trong các tế bào gốc và sử dụng chúng để nhằm vào các khối u não. Thử nghiệm đã cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót của chuột bị loại u não phổ biến nhất ở người là u nguyên bào thần kinh đệm đa hình. Các tế bào gốc trung mô (MSC) đã được sử dụng làm hệ thống phân phối thuốc có hiệu quả và được sử dụng để mang vi rút chống ung thư. Virút đã giúp làm teo nhỏ khối u khi nó chuyển từ tế bào gốc vào tế bào khối u. Kỹ thuật đã giúp hình thành phương pháp điều trị mới cho bệnh ung thư này.

Bệnh tim

Các nhà nghiên cứu đã thiết kế được “tim mini” từ tế bào gốc để giúp chuyển hướng dòng máu từ tĩnh mạch mà không cần van chức năng. Một cơ quan giống như “băng cuốn” được tạo thành từ tế bào cơ tim có thể được ghép vào tĩnh mạch để hỗ trợ dòng máu đi qua đoạn tĩnh mạch. Vì “bang cuốn” này được tạo thành từ chính tế bào của bệnh nhân nên nó làm giảm nguy cơ thải ghép.

Bệnh tiểu đường týp 1

Các nhà nghiên cứu thấy rằng các tế bào gốc có thể được chuyển đổi thành các tế bào sản xuất insulin và do đó có thể sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường týp 1. Các tế bào được nuôi trong phòng thí nghiệm được ghép vào cơ thể người sẽ trưởng thành và thực hiện đầy đủ chức năng.

Điếc

Nguyên nhân phổ biến nhất của điếc là tổn thương trong tai. Một nghiên cứu cho rằng có thể sử dụng các tế bào gốc của ốc tai (tế bào được tìm thấy trong tai) để phục hồi thính lực. Tế bào gốc ốc tai có một khả năng bẩm sinh của tự tái tạo và phân chia thành các loại tế bào khác nhau và ốc tai có thể được tái sinh và biệt hóa thành ốc tai trưởng thành, dây thần kinh và các tế bào thần kinh đệm. Do đó, chúng có thể được sử dụng để thiết kế cấu trúc thần kinh bên trong tai giúp điều trị khiếm thính.

Bệnh da

Nghiên cứu chỉ ra rằng liệu pháp gen dựa trên tế bào gốc có thể chữa các chỗ rộp da hoặc khối u trên da. Bệnh ly thượng bì bóng nước – một bệnh di truyền - giờ đây có thể điều trị thành công bằng liệu pháp gen. Trong nghiên cứu này, tế bào gốc da được ghép vào chân của bệnh nhân và chức năng da bình thường được hồi phục mà không có tác dụng phụ.

Vô sinh

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng vô sinh ở nam giới có thể được điều trị bằng cách sử dụng tế bào gốc. Các tế bào gốc lấy từ tế bào da của nam giới vô sinh đã được sử dụng để sản xuất tế bào tiền thân của tinh trùng mà cuối cùng có thể dẫn đến sản sinh tinh trùng khỏe mạnh. Nghiên cứu cũng cho biết có thể ghép tế bào mầm bắt nguồn từ tế bào gốc vào tinh hoàn của nam giới bị rối loạn sản xuất tinh trùng, do đó đem lại hy vọng làm cha cho nhiều người.

Phổi

Các nhà khoa học đã phát triển một kỹ thuật mới biến đổi các tế bào gốc của người thành các tế bào của phổi và đường hô hấp. Quá trình này có thể được sử dụng để tạo ra các mô của phổi sử dụng cho cấy ghép. Phát hiện này đã mở đường cho việc điều trị các bệnh phổi khác nhau như xơ phổi vô căn (IPF).

Bệnh bàng quang

Các nhà khoa học đã phân lập được tế bào chuyên biệt từ các tế bào gốc của người, có thể được sử dụng để điều trị các rối loạn ở bàng quang. Họ đã sử dụng tế bào gốc của người để tái tạo mô bàng quang trong phòng thí nghiệm, có thể được cấy vào làm tăng thêm hoặc thay thế bàng quang bị suy chức năng. Nghiên cứu này đã mở đường cho phương pháp điều trị mới để điều trị bệnh nhân bị rối loạn bàng quang.

BS Nhật Nguyệt

(Theo THS)

Hạ thân nhiệt ở người cao tuổi và cách xử trí

Mùa đông xuân ở miền Bắc thường có mưa phùn giá lạnh nếu không mặc đủ ấm có thể làm nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới mức bình thường (dưới 35 độ hoặc hơn). Khi giảm thân nhiệt dễ làm tổn thương nhiều cơ quan và gia tăng nguy cơ tử vong nhất là người cao tuổi.

Những yếu tố nguy cơ

Người cao tuổi khả năng kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bị giảm đi so với người trẻ; Người cao tuổi dinh dưỡng kém, mắc nhiều bệnh mạn tính và dùng nhiều loại thuốc nên dễ bị tổn thương hơn do lạnh; Người cao tuổi có xu hướng uống quá ít nước và dễ mất nước ngay cả trong mùa đông lạnh; Những người cao tuổi thiếu hoạt động ở nhà, ăn mặc không thích hợp cho thời tiết lạnh; Nhiều người cao tuổi thường có thói quen tiết kiệm chi phí nên ít dùng máy sưởi ấm.

Làm thế nào để xác định hạ thân nhiệt ở người cao tuổi?

Trong giai đoạn đầu của hạ thân nhiệt, da lạnh, có thể có ngón tay và môi xanh, giảm sự tỉnh táo, lú lẫn nhẹ, nói lắp. Tuy nhiên, luôn nhớ rằng những người cao tuổi bị hạ thân nhiệt có thể không rùng mình hay phàn nàn về cảm giác lạnh; Lưu ý hạ thân nhiệt mà không thể được xác định bằng cách sử dụng nhiệt kế gia dụng, phải sử dụng nhiệt kế y tế để xác định. Vì sử dụng nhiệt kế không đúng, người già sẽ trở nên ít cảnh giác và sự nhầm lẫn có thể làm trầm trọng thêm hạ thân nhiệt, nguy hiểm cho hệ thống hô hấp và chức năng tim.

Hạ thân nhiệt Thời tiết lạnh người cao tuổi dễ bị hạ thân nhiệt, gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể.

Trường hợp người cao tuổi sống một mình, xử trí thế nào?

Người sống một mình có thể gặp khó khăn khi làm ấm nóng nhà và chăm sóc cho bản thân (mặc quần áo, ăn, uống). Họ có nguy cơ cao đối với thương tổn do lạnh. Đôi khi, người già sống một mình bị té ngã ở nhà và vẫn còn nằm trên sàn lạnh trong thời gian dài, có thể dẫn đến hạ thân nhiệt nặng. Do đó, cần thực hiện các giải pháp sau đây: Giữ liên lạc thường xuyên với gia đình, bạn bè, hàng xóm hoặc tình nguyện viên công tác xã hội; Nên thiết lập và đăng ký các chi tiết cá nhân khi sống đơn độc (tên, địa chỉ và số điện thoại) cho các tổ chức quản lý người cao tuổi (câu lạc bộ người cao tuổi, trạm y tế, bác sĩ gia đình...) để được theo dõi sức khỏe định kỳ và liên hệ khi cần thiết.

Phải làm gì nếu nghi ngờ bị hạ thân nhiệt ở người cao tuổi?

Gọi trợ giúp y tế ngay lập tức tại nhà và/hoặc đi đến bệnh viện ngay lập tức; Trước khi sự hỗ trợ y tế, cần: Nhẹ nhàng di chuyển người cao tuổi đến một nơi ấm và khô; Nếu quần áo đang mặc bị ướt phải thay ngay quần áo khô và cuộn người trong chăn để giữ ấm; Để họ nằm yên, không trở người nhiều, cho uống ngay nước ấm (trà gừng ấm, sữa ấm...).

Biện pháp nào phòng ngừa?

Cần sưởi ấm thích hợp và tránh tiếp xúc với lạnh

Duy trì nhiệt độ khoảng 240C trong phòng. Mua một nhiệt kế đo nhiệt độ phòng là rất cần thiết; Để cho hệ thống sưởi có hiệu quả, khép kín các cửa nhà (cửa sổ, cửa ra vào...). Không khí trong phòng nên được giữ đủ độ ẩm: tránh không khí quá khô và khó chịu cho hơi thở, trong khi đồng thời tránh không khí quá ẩm ướt có thể gây bệnh; Kiểm soát sự an toàn của máy sưởi trong nhà, với sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình và các chuyên gia. Nghiêm cấm sử dụng máy sưởi chạy bằng dầu hỏa, vì loại máy này thải ra carbon monoxide có thể gây mất ý thức; Mặc quần áo đủ ấm và thoải mái để tránh mất nhiệt, nhưng không làm hạn chế đi lại trong nhà; Điều quan trọng là mặc đủ ấm và ăn uống đầy đủ vào buổi sáng, vì cơ thể vẫn không đủ hoạt động (do sự trao đổi chất thấp) để làm ấm; Vào ban đêm, khi đi ngủ, cần đắp chăn ấm, mặc quần áo đủ ấm, đi tất chân và nhiệt độ phòng đủ ấm (sử dụng máy sưởi an toàn); Tránh ra ngoài trong thời tiết lạnh. Nên theo dõi các dự báo thời tiết và có kế hoạch ra khỏi nhà phù hợp; Khi cần thiết rời khỏi nhà, cần mặc ấm, có áo khoác, đội mũ len và đeo găng tay.

Giữ thói quen sức khỏe lành mạnh

Uống đủ lượng nước trong mùa đông, uống 6-8 ly nước ấm một ngày, ngay cả khi không cảm thấy khát nước; Tránh uống rượu và đồ uống có chứa caffeine; Ăn thường xuyên, các bữa ăn tương đối nhẹ 5-6 lần một ngày, tránh ăn các bữa ăn nặng; Dùng thức uống và thực phẩm nóng giúp bảo vệ thân nhiệt; Khi ở nhà, chủ động vận động thích hợp để tăng lưu lượng máu và tăng nhiệt độ cơ thể.

Tham khảo ý kiến bác sĩ

Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc có thể làm tăng độ nhạy cảm với thời tiết lạnh (đặc biệt là thuốc ngủ, thuốc an thần và thuốc giảm đau “mạnh”) có thể nâng cao các rủi ro khi tiếp xúc với lạnh.

Trường hợp nghi ngờ bị hạ thân nhiệt (giảm nhiệt độ cơ thể) - nếu người già xuất hiện lạnh, kém đáp ứng hay lú lẫn cần gọi trợ giúp y tế ngay lập tức.

BS. Hải Châu

((Theo health.gov.il))

Chuyện “nhiều” và “ít” trong dịp tết

Ít mặn, nhiều chay

Bữa ăn ngày tết cần ít “món mặn”, ăn nhiều “món chay” như: rau cải, chế phẩm đậu. Dùng món mặn chứa chất đạm hơi nhiều, thường gây ra bốc hỏa, táo bón, cảm giác mỏi mệt, ủ rũ, đường ruột trướng khí (sình bụng), bộc phát các bệnh cao mỡ máu, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não… Chất chống oxy hóa của rau lá màu xanh và các vitamin giúp bảo vệ gan; ăn nhiều chế phẩm đậu có chứa lecithin, đại táo, củ mài, câu kỷ… có tác dụng bảo vệ lá gan.

Ít béo, nhiều mát

Ngày tết cần ít ăn chất béo, ăn nhiều thức ăn thanh mát. Thịt nguội, thịt đông, thịt kho tàu… là thức ăn giàu chất béo. Chất béo quá nhiều gây ra rối loạn trao đổi chất, hình thành các bệnh đường tiêu hóa và đường hô hấp. Khuyến cáo có thể chọn một số phương pháp chế biến bằng nấu, luộc, hấp…, tránh chế biến thức ăn bằng chiên, rán. Thức ăn thanh mát gồm: xà lách, củ cải, rong biển, phối hợp với gan heo, gan gà, thịt nạc cắt sợi… chế ra những món thanh đạm, tươi ngon.

Ít mặn, nhiều nhạt

Dịp tết tổng lượng thức ăn đầu vào thường tăng, có người thích món lạp xưởng, thịt lạp, vịt lạp, cá muối, dưa món… hàm lượng muối trong cơ thể sẽ tăng cao. Thức ăn nhiều muối ăn quá nhiều, tăng gánh nặng cho tim, làm huyết áp tăng cao, bộc phát các bệnh tim mạch. Do vậy, các nhà dinh dưỡng khuyến cáo ngày tết chế biến món ăn nên ít muối, vị nhạt hơn.

Ít thịt đỏ, nhiều thịt trắng

Phần đông người ta thích dùng thịt, nhất là thịt đỏ (bò, heo, dê, cừu…) vì có nhiều dinh dưỡng, ăn ngon. Tuy nhiên, ta lại e sợ thịt chứa nhiều chất béo, dễ ràng buộc bởi chứng cao mỡ máu, thậm chí dẫn đến bệnh mạch vành, đái tháo đường, đột quỵ. Giải quyết vấn đề nan giải này là ít dùng thịt đỏ, dùng nhiều thịt trắng. Thịt trắng (gà, vịt, ngỗng) mặc dù đều cùng thuộc chất béo động vật, nhưng thịt gia cầm có kết cấu chất béo khác với thịt bò, heo, cừu, dê, hơn nữa kết cấu chất béo này gần giống với dầu ô liu, nên có tác dụng bảo vệ tim mạch.

Ít lạnh, nhiều nóng

Thời tiết dịp tết vẫn mát lạnh, có người thích dùng đồ nguội, món gỏi. Đồ lạnh gây tổn thương tỳ vị, lại kèm thức uống lạnh, làm cho các hệ thống bên trong cơ thể xuất hiện tình trạng co thắt, máu chảy không đều. Có thể chọn dùng thức ăn ôn bổ dương khí như: hành, hẹ, tỏi, gừng, bù tạt…; người có tỳ vị kém ít dùng thức ăn hàn lạnh như: dưa chuột, củ niễng…

Ít rượu, nhiều trà

Cồn tạo ra kích thích thành dạ dày, làm cho niêm mạc dạ dày sung huyết, lở loét, tổn hại các cơ quan như gan, não. Sau khi uống rượu bia có cảm giác no, không thèm với cơm, nếu như buộc phải dùng bia rượu, trước tiên dùng điểm tâm, bánh, cháo. Nhà dinh dưỡng khuyến cáo uống nhiều nước đun để nguội, uống trà, dùng trà thay cho rượu.

Ít tinh chế, nhiều món tươi

Chả lụa, giò thủ, lạp xưởng, jăm-bông, thịt xông khói… là thức ăn chế biến sẵn, khẩu vị không kém, có lẽ bạn càng yêu thích với những thực phẩm tinh chế này. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến, thêm vào chất phụ gia hàn the, nitrat, mục đích có tác dụng chống mốc, làm giòn, giúp thực phẩm luôn tươi ngon, một khi những chất độc hại này đi vào cơ thể, phân giải thành chất nitrosamine có tác dụng gây ung thư cực mạnh, nguy hại đến sức khỏe nghiêm trọng. Cho nên, tránh xa các món tinh chế, dùng nhiều các món tươi tự chế biến có ích cho cơ thể.

Ít ngọt, nhiều đắng

Ngày tết nên giảm ăn ngọt, dùng thêm một số thức ăn vị đắng, chẳng hạn như: khổ qua (mướp đắng), cải bẹ, tim sen, hạnh nhân, trà, cà phê, chocolate đen… Thức ăn vị đắng cân bằng âm dương, theo đó đảm bảo quả tim hoạt động bình thường, mang máu và oxy đến khắp các cơ quan và tổ chức trong cơ thể.

Ít ăn, nhiều vận độngThời gian nghỉ tết, người thành thị thường dùng điện thoại, tin nhắn, email để chúc tết, nằm nhà xem tivi. Ngày thường đi làm bằng xe máy, xe hơi, ít vận động, dịp tết được nghỉ dài ngày không cần đến công sở, càng ít vận động. Không ít người còn tận dụng ngày tết ngủ bù, vận động càng ít. Cho nên, khuyến cáo mỗi người ngày tết ít ăn, vận động nhiều. Ăn uống cần có sự điều tiết, bên cạnh vận động cũng cần có sự điều tiết phù hợp.

LY.DS. BÀNG CẨM

6 dưỡng chất giúp trí não minh mẫn, nhạy bén

Nước

Trong các thành phần cấu tạo não, có khoảng 80% là nước. Một nguyên tắc vàng bạn cần ghi nhớ là cung cấp đủ nước cho cơ thể. Việc thiếu hụt nước có thể làm tăng hormon gây stress, ảnh hưởng xấu đến các hoạt động của não. Vì thế, nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để não hoạt động tốt hơn.

Đường glucose

Là một chất cung cấp năng lượng giúp não bộ hoạt động nên không thể thiếu trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nó được cơ thể chuyển hóa từ các thức ăn có chứa đường và các chất hydratcarbon. Đó là lý do tại sao uống một cốc nước đường có thể tăng cường trí nhớ, suy nghĩ và khả năng nhận thức. Tuy nhiên, ăn quá nhiều đường sẽ làm suy giảm trí nhớ, vì thế nên ăn một lượng đường vừa đủ sẽ làm tăng trí nhớ mà không sợ bị tăng cân. Nguồn cung cấp chất đường tốt nhất là từ ngũ cốc nguyên hạt và trái cây tươi.

Ngũ cốc nguyên hạt giúp tăng cường hoạt động trí não.

Ngũ cốc nguyên hạt giúp tăng cường hoạt động trí não.

Protein (chất đạm) tốt cho chức năng của não

Một trong những lợi ích của protein là giúp bạn kéo dài trí nhớ. Khẩu phần ăn nhiều thịt nạc và ít mỡ sẽ rất tốt cho việc giảm cân và tốt cho sức khỏe, hơn nữa nó cũng rất tốt cho chức năng não. Protein động vật được tìm thấy trong những nguồn thực phẩm như gà tây, cá ngừ và thịt gà, cung cấp cho não chất tyrosine, một loại amino acid giúp làm tăng lượng dopamine và norepinephrine trong não. Đây là những chất hóa học giúp giữ cho não luôn tỉnh táo và tinh thần tập trung hơn. Những nguồn cung cấp protein có ích khác là các loại đậu, đậu Hà Lan, thịt bò nạc, pho mát ít béo, cá, sữa, thịt gia cầm, sản phẩm từ đậu nành và sữa chua.

Acid amin là đơn vị cấu tạo của protein. Não bộ cần để chế tạo các chất dẫn truyền thần kinh và cung cấp năng lượng. Hai loại acid amin quan trọng cho trí não là tryptophan và tyrosine. Tryptophanlà tiền thân của chất làm dịu thần kinh serotonin. Cơ thể không tạo ra tryptophan được nên cần thực phẩm cung cấp. Tyrosine cần để sản xuất các chất dẫn truyền hưng phấn trí não là dopamine, epinephrine và norepinephrine. Cơ thể tạo ra được tyrosine nếu trong thực phẩm không có đầy đủ. Mỗi ngày cơ thể cần từ 45 - 50g chất protein.

Choline

Choline là chất giống vitamin, được xem là “món quà” tuyệt vời cho bộ não. Choline có tác dụng giúp não bộ ghi nhớ tốt hơn. Bạn có thể tìm thấy loại chất này trong các loại thực phẩm như cá, gan, trứng, đậu Hà Lan, gạo… Trong đó, lòng đỏ trứng là nguồn thực phẩm chứa nhiều choline nhất.

Chất béo omega-3

60% mô não được cấu thành tự nhiên từ mô mỡ, một phần lớn của mô mỡ được cấu thành từ omega-3. Các chất béo cho phép các nơron hoặc tế bào thần kinh tạo ra cấu trúc đặc biệt của chúng ở trong não. Lượng omega-3 trong lớp màng đôi của các tế bào thần kinh có tầm quan trọng đặc biệt, vì nó làm tăng tính lưu động và tạo thuận lợi cho việc truyền dẫn tín hiệu và hoạt động chức năng của tế bào thần kinh. Axit docosahexaenoic (DHA) chiếm 10-20% tổng chất béo của não, là chất béo omega-3 quan trọng nhất đối với não được coi là “gạch xây não người”.

Từ khi thụ thai, DHA và EPA là các chất béo omega-3 cần thiết cho sự phát triển và hoạt động chức năng của não. Việc hấp thu DHA nhanh nhất trong ba tháng cuối của thai kỳ, vì DHA chiếm khoảng xấp xỉ 9% toàn bộ mô não ở những em bé sinh đủ tháng bình thường. Ở những trẻ sinh non, tỉ lệ mắc các triệu chứng liên quan tới rối loạn thiếu tập trung, mất khả năng học tập, lo lắng và hoạt động xã hội kém cao hơn đáng kể. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng em bé của các thai phụ chủ động bổ sung omega-3 cho chế độ ăn uống hoặc bằng các sản phẩm bổ sung, tăng chức năng nhận thức dẫn tới sự phát triển ngôn ngữ, thị lực và vận động tốt hơn. Việc bổ sung các chất béo omega-3 có thể làm tăng lượng glucose đến não, đó có thể là lý do giúp cho chức năng não được tốt hơn. Từ lâu nay, cá vẫn được coi như “thực phẩm của trí não”, chất béo này có ở cá thu, cá hồi, cá trích, cá cơm, cá ngừ và một số thực vật như đậu nành, lạc, vừng, ôliu, hướng dương, hạt óc chó, rong biển… Nên ăn cá 3 lần/tuần.

Phospholipid

Là chất giúp tạo myelin bao bọc dây thần kinh dẫn đến việc truyền các tín hiệu chỉ đạo của bộ não tốt hơn. Chất phospholipid có nhiều trong lòng đỏ trứng, thịt nội tạng…

Bên cạnh việc cung cấp những dưỡng chất thiết yếu cho não, cần hạn chế hoặc loại bỏ những chất có hại cho não như các chất béo chuyển hóa (transfatty acid), rượu, thuốc lá…Tăng cường tiêu thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho não bằng cách ăn xen kẽ các thực phẩm mà não cần, bằng các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên.Cân bằng giữa ba chất dinh dưỡng chính là carbohydrat (chất bột), chất béo và chất đạm để não có thể làm việc hiệu quả ban ngày và nghỉ ngơi thoải mái ban đêm.Nên thường xuyên vận động trí não để tránh sa sút trí tuệ. Kích thích tế bào não bằng các trò chơi trí óc như cờ tướng, ô chữ, games… Tập luyện cơ thể đều đặn mỗi ngày để tăng máu huyết lưu thông lên não và đừng để cơ thể bị béo phì.Hoạt động của bộ não con người là hoạt động quan trọng, thiết yếu. Hãy biết cách chăm sóc và “nạp nhiên liệu” cho nó một cách đúng đắn để cơ thể phát triển khỏe mạnh, luôn minh mẫn và toàn diện về mọi mặt.

ThS.BS. Lê Thị Hải

Bệnh vẩy nến Erythrodermic

Bệnh vẩy nến Erythrodermic hay còn gọi là thể vẩy nến đỏ da toàn thân là một loại bệnh vẩy nến hiếm gặp. Nó chỉ chiếm khoảng 3% các ca bệnh vẩy nến.

Phân biệt bệnh vẩy nến Erythrodermic với một số loại bệnh vẩy nến khác

Vẩy nến là bệnh da mạn tính, không ổn định và hay tái phát. Có rất nhiều loại bệnh vẩy nến và chúng có nhiều triệu chứng khác nhau:

Bệnh vẩy nến thể mảng là một dạng phổ biến của bệnh vẩy nến (chiếm đến 80-90% ca bệnh vẩy nến). Tổn thương vẩy nến thể mảng thường xuất hiện ở những vùng da hay bị tỳ đè như khuỷu tay, đầu gối, lưng, bụng. Trên các mảng da màu đỏ là lớp sừng dày màu trắng gây ngứa ngáy. Bệnh vẩy nến mảng không ổn định làm tăng nguy cơ bệnh vẩy nến Erythrodermic.

Bệnh vẩy nến Guttate: Hay còn gọi là thể giọt. Tổn thương là các chấm có đường kính từ 1-3mm (như giọt nước), nổi rải rác khắp người, nhất là nửa người trên, màu đỏ tươi, trên phủ vẩy mỏng màu trắng đục, dễ bong, cạo vụn ra như phấn. Bệnh thường gặp ở trẻ hay người trẻ tuổi, sau nhiễm liên cầu khuẩn hầu họng.

Bệnh vẩy nến đảo ngược (Inverse): Tổn thương biểu hiện dưới dạng các dát đỏ da sưng lên ở nếp gấp của cơ thể, chẳng hạn như quanh nách, háng và vú.

Bệnh vẩy nến Erythrodermic Cháy nắng có thể gây ra một sự bùng phát của bệnh vẩy nến Erythrodermic.

Bệnh vẩy nến mụn mủ (Psoriasis): Đây là loại vẩy nến có thể được xác định khi các mụn nước và mụn mủ xuất hiện khắp cơ thể. Triệu chứng đi kèm có thể là sốt, ớn lạnh, ngứa ngáy và tiêu chảy...

Bệnh vẩy nến Erythrodermic: Đây là một dạng bệnh vẩy nến thể hiện đặc biệt rầm rộ, gây viêm. Người bệnh phát triển một tình trạng ban đỏ toàn thân: da toàn thân đỏ tươi, bóng, phù nề, căng, rớm dịch, phủ vẩy ướt, không có vùng da nào lành, ngứa dữ dội, các nếp kẽ bị trợt loét, rớm dịch mủ, nứt nẻ, đau rát trên toàn bộ bề mặt của cơ thể.

Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến Erythrodermic

Các nhà khoa học không chắc chính xác nguyên nhân gây ra bệnh vẩy nến nói chung, nhưng nghi ngờ có liên quan tới hệ thống miễn dịch hoạt động rối loạn. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra chứng vẩy nến Erythrodermic vẫn còn chưa rõ ràng.

Yếu tố nguy cơ

Trong khi nguyên nhân chính xác của bệnh vẩy nến Erythrodermic chưa được biết, nhưng một số tình huống có thể kích hoạt bệnh này bao gồm: đột nhiên ngừng điều trị bệnh vẩy nến, nhiễm trùng, cháy nắng, căng thẳng thần kinh, uống rượu quá mức; phản ứng dị ứng và phát ban; uống thuốc steroid.

Dấu hiệu nhận biết

Các triệu chứng của vẩy nến erythrodermic bao gồm: phần lớn da trên cơ thể đỏ nghiêm trọng; da trông như bị bỏng, da bong từng mảng lớn nhiều hơn là các mảnh nhỏ hoặc vẩy; xuất hiện các mụn nước, mụn mủ; ngứa nặng; đau rát dữ dội; tăng nhịp tim; sốt cao... Những triệu chứng này sẽ xuất hiện ở hầu hết người bệnh trong một cơn bùng phát bệnh vẩy nến Erythrodermic. Vì bệnh vẩy nến Erythrodermic có thể làm thay đổi trao đổi chất của cơ thể, người ta cũng có thể gặp các triệu chứng khác. Những triệu chứng này bao gồm: sưng tấy, đặc biệt là xung quanh vùng mắt cá chân; đau khớp; ớn lạnh hoặc sốt.

Biến chứng nguy hiểm

Da hoạt động như lớp rào cản của cơ thể đối với môi trường, giúp cơ thể khỏe mạnh. Khi da bị tổn thương nghiêm trọng, đó là những gì xảy ra với bệnh vẩy nến Erythrodermic, toàn bộ lớp bảo vệ này bị tổn hại, làm cho cơ thể dễ bị các biến chứng nghiêm trọng. Những biến chứng này bao gồm: suy kiệt do mất dịch và protein; sưng phù nặng từ sự giữ nước; nhiễm trùng nặng bao gồm viêm phổi và nhiễm khuẩn huyết; suy tim sung huyết.

Nếu một người nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh vẩy nến Erythrodermic, điều quan trọng là phải tìm sự chăm sóc y tế ngay vì những biến chứng nặng, đe dọa đến mạng sống có thể xảy ra.

Điều trị và dự phòng

Bệnh vẩy nến Erythrodermic có thể rất khó chữa, đặc biệt nếu có biến chứng. Các lựa chọn điều trị bao gồm: kem steroid và kem dưỡng ẩm; băng ẩm; nghỉ ngơi tại giường; các thuốc điều trị toàn thân, gồm methotrexate, acitretin, cyclosporine, hoặc retinoids; thuốc ức chế sinh học TNF; truyền dịch hoặc bù chất điện giải; kháng sinh để ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn khác.

Để ngăn ngừa bệnh vẩy nến Erythrodermic, những người bị bệnh vẩy nến nên tuân thủ chế độ điều trị và tránh các yếu tố nguy cơ kể trên. Sau một đợt bùng phát hồng ban, da có thể sẽ trở lại tình trạng trước đó. Tuy nhiên, vì cơ hội của các biến chứng quá cao, triển vọng là khó khăn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh vẩy nến Erythrodermic gây tử vong đến 64% các trường hợp bệnh. Tuy nhiên, với việc chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong sẽ giảm.

BS. Nguyễn Quân